Tự học đang là một hình thức học mới và cách để có thể tự học hiệu quả
Xin chào các bạn. Vài ngày qua, sau vài cuộc trao đổi mình nhận thấy một điều rằng tự học vẫn còn là khái niệm mới mẻ đối với khá nhiều người. Có vài bạn đã bắt đầu tự học nhưng độ lớn của Internet khiến họ choáng ngợp vì nguồn thông tin thì nhiều nhưng chất lượng vẫn là một ẩn số.
Hôm nay, mình xin chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm mình có được thông qua việc tự học gần 2 năm của chính mình. Đa số những kiến thức mình có hiện nay đều là kết quả của quá trình này. Mong rằng bài viết sẽ cho các bạn những thông tin tham khảo hữu ích trong quá trình học tập của các bạn
Tự học là gì? Tại sao cần phải tự học?
" Tự học, tôi chắc chắn tin rằng, là hình thức học tập duy nhất " - Isaac Asimov |
Các bạn biết Twitter chứ? Founder của nó - Jack Dorsey - là một trong những self-taught programmer (dịch nôm na là lập trình viên từ việc tự học ) thành công nhất hiện nay. Hay Elon Musk, nhà sáng lập hai công ty Tesla và SpaceX cũng xuất thân là một người có khả năng tự học ngay từ khi còn bé, Elon tự dạy mình cách lập trình máy tính từ khi 10 tuổi và trong thời kì đầu của SpaceX, ông cũng tự mình đọc hết những cuốn sách tìm thấy được về kỹ thuật tên lửa nhằm có thể mở được công ty.
Đến đây, có thể bạn sẽ nghĩ: " Tất nhiên, vì họ là thiên tài mà! Sao tôi có thể được như họ chứ? "
Tôi không nghĩ vậy, Edison từng nói:
Nhân tài là 1% thông minh, và 99% là sự nỗ lực không ngừng nghỉNên dù bạn có ngu ngốc cỡ nào, bạn cũng có thể có 99% của một nhân tài.
Trên thế giới, không phải là chỉ những người thành công mới tự học, mà là chỉ những người tự học thì mới có thể thành công. Bạn không tin sao? Hãy mở Google ra và search "self taught success stories" , cộng đồng mạng sẽ cho bạn những câu chuyện khác nhau, từ những con người có độ tuổi, nguồn gốc, hoàn cảnh riêng biệt. Nhưng họ đều có một điểm chung duy nhất. (chắc mình khỏi cần nói là gì nhé, lặp từ hơi nhiều ^^ )
Mình muốn chỉ ra rằng, dù bạn là ai, hoàn cảnh như thế nào. Điều đó cũng không quan trọng. Vì phương pháp tự học chỉ yêu cầu một thứ duy nhất: ý chí của bạn.
OK, lan man thế đủ rồi. Mình sẽ vào vấn đề chính.
Tự học, theo định nghĩa cá nhân, là quá trình học tập của bản thân. Trong đó, không có chương trình học hay lộ trình học nào cả, cũng không có tiết hay giờ học cố định, không giáo viên, không giáo trình, bài tập về nhà, không và không. Chính bạn sẽ tự quyết định việc đó, một chương trình học do bạn, vì bạn.
Ví dụ như bạn muốn làm chủ ngôn ngữ lập trình C++ thì tự bạn sẽ tìm kiếm nguồn tài nguyên cần thiết cho việc học ngôn ngữ lập trình này như một khóa học trên mạng, sách trên thư viện, v.v. Sau đó, sắp xếp cho mình một thời gian nhất định để học về nó. Thời gian học có thể là bất cứ khi nào bạn thấy rảnh, hay một khung giờ nhất định trong ngày (nói chung tùy mức độ bận rộn của bạn) nhưng quan trọng là trong thời gian đó phải học, đừng mang laptop hay sách ra xong rồi cứ 10 phút lại mở Facebook một lần. Vấn đề này mình cũng thỉnh thoảng mắc phải, liên tục kiểm tra Facebook làm kiến thức của mình rời rạc và bốc hơi chỉ sau 1 đêm. Thời gian học tập mà mình áp dụng bắt đầu từ khoảng 7h đến 10h30, vì là buổi đêm nên mình dễ tập trung và kiến thức nhớ được lâu hơn do hoạt động não bộ của con người bắt đầu hình thành trí nhớ dài hạn khi ta ngủ, vậy nên thời gian hiệu quả nhất để học là trước khi chợp mắt.
Trong thời đại thay đổi nhanh như hiện nay, việc liên tục bổ sung kiến thức là điều cần thiết (nhất là trong lĩnh lực Công nghệ thông tin khi sự thay đổi xảy ra với tốc độ chóng mặt). Đồng thời, những giáo trình học tập đa số là đã cũ và chưa cập nhật, nên chúng chỉ cung cấp cho bạn những nền tảng cần thiết để phát triển, còn thế giới đang được vận hành như thế nào thì phải do bạn tự tìm hiểu. Chưa kể ngày nay, có những khóa học trên mạng chất lượng đến từ những trường đại học danh tiếng mà bạn có thể tham gia miễn phí. Với hình thức học tập truyền thống, học sinh được cho là đang bị nhồi nhét kiến thức một cách vô tội vạ, với phương pháp tiếp thu thụ động và phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ nhiều hơn là suy luận và logic. Đừng nghĩ là mình bịa đặt, có cả một bài viết trên Medium nói về vấn đề này.
Medium: College is Dying, Design Your Own Education.
Ngoài ra, việc tự học có thể giúp bạn dễ thở hơn trong cuộc sống như khi xin việc, kiến thức của bạn gần với những gì công ty đang cần (biết sử dụng những công nghệ hiện nay) sẽ làm hồ sơ bạn lộng lẫy hơn trong mắt những nhà tuyển dụng. Khả năng tự học còn rèn giũa những kỹ năng mềm khác như: khả năng đánh giá và tìm kiếm thông tin, khả năng tiếp thu kiến thức nhanh và đầy đủ, quản lý thời gian hợp lý. Vậy bạn còn chờ gì nữa?
Yêu cầu công việc của một Java Developer nếu bạn muốn lương 16tr - Nguồn: VietnamWorks |
Tuy nhiên, mình không nói với bạn là đại học là vô ích và bạn không cần học đại học làm gì. Có được một tấm bằng cũng như là vé vào cửa cho phỏng vấn xin việc, đó là điều kiện cần. Thêm nữa, đại học cung cấp cho ta một nền tảng vững chắc, tạo được môi trường học tập chuyên nghiệp cho mỗi người và cũng là nơi để bạn phát triển kỹ năng mềm cần thiết trong 4 năm đại học.
Lợi ích và nhược điểm của việc tự học
Lợi:
- Không có giáo trình có nghĩa là bạn được tự do học những gì mình thích
- Thời gian học tập linh động.
- Nâng cao khả năng tìm kiếm và đánh giá thông tin, tiếp thu nhanh mà hiệu quả.
- Tốc độ học và tiếp thu dựa vào tốc độ của bản thân. Tránh việc cúi xuống lụm bút rồi ngẩng lên thì "mất gốc".
- Tạo cho bạn thói quen độc lập không phụ thuộc nhiều vào người khác. Nâng cao kỷ luật bản thân.
Nhược:
- Nguồn kiến thức quá nhiều, khó bắt đầu
- Có thể học trúng nguồn không chất lượng dẫn đến mất thời gian
- Không có người hướng dẫn kèm cặp cụ thể, đáng tin như giảng viên
- Không có điểm danh nên dễ có suy nghĩ "Nghỉ vài buổi cũng không sao".
Phương pháp học
Để giúp các bạn tránh rơi vào bẫy khi tự học. Mình có một vài kinh nghiệm mà mình cho là cần thiết muốn chia sẻ lại.
1. Mục tiêu học
Có một mục tiêu trước khi bắt đầu giống như có một chiếc la bàn giữa biển khơi. Điều này giúp bạn luôn đi đúng hướng. Tìm kiếm mục tiêu có thể đơn giản như xem yêu cầu của nhà tuyển dụng rồi kiếm những thứ cần bổ sung hoặc có lĩnh vực mà bạn hứng thú và muốn khám phá. Thực tế hơn nữa là việc tự học tiếng Anh hay một ngôn ngữ mới.
Lưu ý: Việc nắm vững được một ngôn ngữ (như là Tiếng Anh) là một lợi thế lớn rất nhiều trong việc tìm và đọc các tài liệu của ngôn ngữ đó. Khi các nước khác đang có kỹ thuật và công nghệ phát triển hơn ta.
Lưu ý: Việc nắm vững được một ngôn ngữ (như là Tiếng Anh) là một lợi thế lớn rất nhiều trong việc tìm và đọc các tài liệu của ngôn ngữ đó. Khi các nước khác đang có kỹ thuật và công nghệ phát triển hơn ta.
2. Tạo thói quen
Tự học không phải là một đích đến mà là cả một quá trình. Say mê học tập vài ngày đầu rồi sau đó bỏ vì không đi tới đâu thì dù phương pháp hay đến mấy cũng không giúp ích gì được cho bạn đâu. Bạn cần phải có tính kỷ luật đối với bản thân mình, hằng ngày học, học, học. Việc học cũng coi như việc ăn uống của mình vậy, tự nhiên đến giờ ăn thì phải ăn thì đã vào giờ học thì có chết cũng phải lết lên ghế mà ngồi. Đừng tin vào những cái như cảm hứng học tập, thứ gì đến nhanh thì cũng bay nhanh lắm. Chỉ có thói quen là gắn với bạn bền lâu được thôi.Lúc đầu có thể không cần học nhiều, 30p hay một tiếng là đủ. Nhưng phải cam kết là mỗi ngày bạn đều đụng tới nó. Đến đây thì đối thủ lớn nhất trong việc giữ cam kết này chính là bạn đấy. Cứ kéo dài khoảng 1 tháng, bạn sẽ thấy việc này dễ dàng hơn. Dù sao đi nữa, duy trì thói quen sau đó vẫn là quan trọng.
3. Khả năng tìm kiếm, đánh giá thông tin
Với rất nhiều sự lựa chọn như hiện nay. Kỹ năng này là cực kỳ quan trọng.Nó giúp bạn tiết kiệm thời gian quý báu của bản thân cho những chuyện khác.
Trước khi quyết định tham gia một khóa học hay đọc một cuốn sách mình thường xem mục lục để kiểm tra nội dung và mối liên kết giữa các chương. Nếu không chắc nữa mình lên các trang web có cộng đồng đáng tin cậy như Quora.
Mình thường search Google bằng từ khóa: Is [tên sách/khóa học] good? để có thể có nhiều ý kiến từ cộng đồng hơn
Một lưu ý nhỏ: Khi truy cập trang web, tốt nhất bạn nên vô những trang có mở đầu là https vì đây là một chứng chỉ cho sự an toàn và uy tín của trang web. Nên cũng phần nào yên tâm khi truy cập những trang đó
Ví dụ như trang của mình |
4. Tham gia một cộng đồng
Một cộng đồng là điều cần thiết để có thể trao đổi và cập nhập thêm kiến thức hiện có với người khác. Về lập trình, các cộng đồng nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay như daynhauhoc, Kipalog. Hay nước ngoài với nhiều cộng đồng và lĩnh vực hơn như Quora, Medium, StackOverflow, Reddit, StackExchange,...
5. Dạy/Chia sẻ lại cho người khác
Khi bạn nghĩ là mình đã nắm được những khái niệm cụ thể, đừng ngần ngại trong việc chia sẻ lại cho người khác. Điều này vừa giúp bạn có khả năng tổng hợp và liên kết kiến thức đã có, tạo thành khối tri thức khó mà có thể xóa nhòa được. Ngoài ra, việc tìm cách sắp xếp những gì đã học và truyền đạt một cách dễ hiểu với đối phương vô tình tăng khả năng diễn đạt và trình bày của bạn. Một trong những khả năng mềm mà xã hội cần bây giờ.
Einstein có câu:
Nếu bạn không thể giải thích nó một cách đơn giản, thì bạn chưa hiểu nó đủ tốt |
Vậy nên dạy cũng là học đấy. Hơn nữa, bạn không thể tin được những người mình đang chia sẻ lại có những câu hỏi hay thế nào đâu.
Về kinh nghiệm cá nhân, mình từng kèm cặp vài bạn hồi cấp ba và nhiều lần rất bất ngờ với những gì mình nhận được lại nhiều hơn những thứ mà mình đã cho đi. Nghĩ rộng hơn nữa, nếu mọi người cứ giữ khăng khăng những thứ mình đang biết, thì chắc bây giờ chúng ta không có định lý Pytago để mà xài đâu nhỉ. 😆
Một số tài nguyên học tập
Để cảm ơn các bạn vì đã đọc đến đây, mình xin chia sẻ một số trang web hữu ích cho việc tự học của các bạn.
Coursera
Coursera là trang học tập online lớn và uy tín hiện nay, với nhiều khóa học tính phí và miễn phí được chính các trường đại học bên Mỹ soạn thảo và giảng dạy. Các khóa học thuộc nhiều lĩnh vực như máy tính, kinh doanh, vật lý và hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Mình thấy các khóa học của Coursera được đầu tư kỹ lưỡng và chú ý tới học viên trong giai đoạn học. Bạn có thể trả tiền để có thêm chứng chỉ do trang này cung cấp sau khi hoàn thành khóa học. Hoặc xin hỗ trợ tài chính để có thể truy cập miễn phí.
Bonus thêm: Khóa học Machine Learning miễn phí của Andrew Ng trên trang này là 10/10 nhé các bạn!
Khan Academy
Khan Academy là tổ chức phi lợi nhuận với mong muốn mang kiến thức đến gần mọi người hơn. Đây là một kho tàng kiến thức rộng lớn bao gồm các lĩnh vực về toán, vật lý, máy tính, kinh tế, lịch sử,...
Bạn hoàn toàn có thể đăng ký học hoàn toàn miễn phí trên trang web này
Udacity
Đây là trang mình bắt đầu học lập trình, mình thấy chất lượng giảng dạy cũng đáng để cân nhắc. Tuy nhiên Udacity tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ
edX
Là một trang tương tự như Coursera nhưng có những lĩnh vực mà Coursera không đụng tới.
Kết
Mình vừa chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm của mình trong việc tự học. Mong rằng các bạn sẽ tự tin hơn khi bước vào con đường này.
Cảm ơn các bạn đã đọc
Nhận xét
Đăng nhận xét