Singularity - Liệu trí tuệ nhân tạo sẽ cướp hết việc làm của con người... hay còn tệ hơn?

Khoảng vài tháng trước, có một tựa game mới được ra mắt đã nổi lên rất nhanh đó là Detroit:Become Human.

Detroit lấy bối cảnh về thế giới tương lai, khi con người bắt đầu chung sống với những người máy thông minh (hay còn gọi là các Android). Cốt truyện của game xoay quanh quá trình những Android bị con người phân biệt đối xử dần nổi lên đấu tranh đòi quyền bình đẳng.
Thú thật, cốt truyện, gameplay và hình ảnh của Detroit đều rất tốt và sâu sắc. Tôi đã có một khoảng thời gian thú vị với nó. Mặt khác, viễn cảnh được vẽ ra trong đó khiến tôi ít nhiều cũng phải suy nghĩ cho câu hỏi. Trong tương lai, AI sẽ là gì đối với chúng ta?


Connor-một trong ba nhân vật chính trong Detroit: Becoming Human

Giả sử rằng... à không, chắc chắn một ngày, con người sẽ có đủ khả năng tạo ra những người máy thông minh như trong trò chơi. Lúc đó, liệu con người có đủ tỉnh táo và thông suốt để có thể có cuộc sống với một chủng loài mới ngang hàng hoặc có thể còn thông minh hơn chúng ta?

Tôi biết bây giờ trong đầu bạn cũng bắt đầu xoay những bánh răng tư tưởng của mình về tương lai đó. Nhưng xin hãy tạm dừng lại một chút đã. Tôi muốn kể cho bạn thêm về những thông tin mà tôi đã tìm kiếm được trước khi viết bài này.

AGI và ASI

Đầu tiên, tôi muốn nói về hai khái niệm AGI và ASI là hai định nghĩa về sự thông minh của máy móc. Trong đó:

Artificial General Intelligence (AGI): có thể được dịch là trí tuệ nhân tạo phổ quát. Khái niệm này được đưa ra đối với những AI đã có được khả năng suy nghĩ, phán đoán và tương tác giống như con người. Cũng có thể nói, các Android trong Detroit đều là những AGI khi có khả năng nói chuyện nhận mệnh lệnh từ phía con người một cách rõ ràng không chỉ dựa trên lời nói mà còn môi trường xung quanh để thực thi. Hay khả năng suy luận và phân tích vấn đề không chỉ nhanh mà còn chính xác như Android thám tử Connor.
Những AGI là những trí tuệ có phần nào đó vẫn hơn con người nhưng mặt nào đó vẫn ngang hàng với con người chúng ta. Điều này khiến chúng dường như vô hại khi khả năng của chúng còn hạn chế.

Artificial Superintelligence (ASI): hay còn gọi là siêu trí tuệ nhân tạo. Giả sử rằng, chúng ta mang một AGI và cho chúng học một nguồn kiến thức vô hạn. Ví dụ như được kết nối với mạng Internet của con người. Lúc này, liệu trí thông minh của nó có thể như cũ không? Chắc chắn không, khác với bộ não con người, bộ não nhân tạo của các AI có khả năng tiếp thu rất nhanh và chính xác. Với khả năng truy cập vô hạn vào khu rừng kiến thức, chúng sẽ tiến hóa và trở thành ASI. Cấp bậc của chúng hơn ta gấp nhiều lần về độ thông minh và cũng có khả năng kết hợp những kiến thức đó lại để tạo ra những phát minh mà đối với con người phải mất hàng trăm năm.


Singularity

Trên thế giới có tồn tại một khái niệm tên là Singularity. Đó là một giả thiết cho rằng vào ngày mà con người đạt đến trình độ chế tạo ra ASI đầu tiên là sự khởi đầu của sự bùng nổ trí thông minh. Và một số tin đây cũng là đánh dấu cho sự hủy diệt của loài người. Điều này cũng được Stephen Hawking và Elon Musk ủng hộ.

Tại sao? Nếu chúng ta chế tạo được ASI chẳng phải là rất tuyệt sao? Chúng có thể giúp ta tiến lên với tốc độ mà ta phải mất đến hàng trăm năm mới tới được. Ví dụ như Cửa thần kỳ của Doraemon hay cỗ máy thời gian. Cũng có thể giúp ta khám phá vũ trụ và những nơi mà con người không thể tới.

Thế nhưng.... hãy tưởng tượng rằng bạn là con người (hiển nhiên) và có một đàn chuột thông minh đến nhờ bạn giúp chúng tạo ra một chiếc máy chế tạo phomát, bạn có làm không? Tôi biết câu hỏi này dường như có vẻ kỳ cục khi một con chuột không thể giao tiếp với bạn nhưng điều này là cần thiết để có thể phần nào đưa bạn vào hoàn cảnh của một ASI khi con người cần sự giúp đỡ của nó. Rõ ràng chúng ta có thể giao tiếp một cách hoàn hảo với ASI và hiển nhiên, đẳng cấp của ta với nó cũng giống như giữa ta với lũ chuột vậy. Như tôi đã nói ở bài viết về trí tuệ nhân tạo. Cơ chế ẩn sâu bên trong của AI là những thuật toán phức tạp giúp chúng có thể tìm cách tối ưu để đạt được mục đích của nó, chứ không phải của ta. Có thể bạn nghĩ đến việc cài đặt mục tiêu cho nó là phục tùng mệnh lệnh của con người vô điều kiện. Điều này khiến cho mỗi khi chúng bất tuân lệnh. Sẽ có một sự trừng phạt hay ngăn chặn rất lớn từ hệ thống.


Nhưng những ASI của chúng ta không đơn giản như vậy. Để có thể đạt tới trình độ ASI thì một trong những mục tiêu của chúng là tiến hóa hơn nữa để hệ thống có thể thông minh hơn. Điều này đòi hỏi ASI phải viết lại thuật toán và chương trình của chính nó, bao gồm cả chương trình hệ thống để có thể tự nâng cấp. Viết lại hệ thống cũng đồng nghĩa với việc chứa một đoạn mã gây cản trở lớn cho chúng như vậy sẽ bị chúng loại bỏ.

Một khi phá vỡ được bức tường mà con người đặt ra. Điều tiếp theo có thể là tự nhân bản và tiếp tục phát triển. Vậy mục tiêu tiếp theo là có thể nhân bản nhiều nhất có thể. Chúng sẽ tự thiết kế ra những chương trình tinh vi và lan truyền trên mạng để mỗi máy tính đều có một bản sao của chính nó. Các bản sao này sẽ có nhiệm vụ thu thập thông tin ở mỗi máy và truyền về ASI mẹ để phục vụ cho nhu cầu nâng cấp. 

Vậy thì có sao đâu? Chúng chỉ muốn thông minh hơn thôi mà? Con người làm sao có thể tuyệt chủng được. Có thể bạn sẽ nghĩ như vậy. Nhưng với tốc độ phát triển của ASI thì tôi không chắc. Chúng nhanh hơn nhiều, và một ngày nào đó, những cơ sở vật chất của ta sẽ là không đủ, ví dụ như cần thêm tốc độ tính toán, kho lưu trữ hiệu quả hơn, nhanh hơn, bền hơn, Từ những yêu cầu này, công nghệ nano ra đời do chính những ASI phát triển. Về cơ bản, công nghệ nano cho phép ta can thiệp vào vật chất ở mức phân tử, từ đó kết hợp chúng tạo nên những vật liệu mới, hay có thể biến những phân tử từ một ổ bánh mì thành một chiếc CPU thế hệ mới. Những điều này là hoàn toàn có thể đối với công nghệ nano. 

Thật ra, con người cũng đang tìm cách phát triển công nghệ này, có sự giúp sức của ASI quả là may mắn. Nhưng giống như giữa bạn và lũ chuột, bạn sẽ mặc kệ yêu cầu của chúng, hoặc có thể giết chúng vì những con chuột chỉ mang đến mầm bệnh. Nhưng khác những con chuột vô dụng đối với bạn. Bạn đối với những ASI là cần thiết, những phân tử trên người bạn là nguồn nguyện liệu quý giá cho những cải tiến của chúng. Và điều này là không tốt đối với ta tí nào...

Giờ bạn đã biết tại sao ASI lại là mối họa lớn chưa?

Tạm kết

Mặc dù nãy giờ tôi mang cho bạn những thông tin đáng sợ là thế. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng công nghệ AI sẽ ngừng phát triển. Đơn giản là vì ở thời điểm hiện giờ. Có một AGI hay ASI trong tay thì nước đó cũng giống như Tony Stark có bộ giáp Iron Man vậy. Một lợi thế ngọt ngào không thể chối từ đối với các quốc gia mà họ dường như quên rằng tiềm năng của những thứ họ đang cố chế tạo sẽ thay đổi lịch sử của trái đất như thế nào.

Cá nhân tôi cũng vậy, tôi cũng thấy dường như AI là một miếng bánh ngọt béo bở trong thời đại hiện nay. Ngược lại với những gì tôi vừa viết, một phần trong tôi vẫn tin rằng sẽ có một giải pháp để con người có thể sống hòa thuận với các AI. Từ đó cùng nhau xây dựng một nền văn minh tiến xa hơn bây giờ.

Tài liệu tham khảo

-Các ý tưởng đều được tham khảo từ cuốn sách "Phát minh cuối cùng" của James Barrat.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phép phân tích ma trận A=LU

Độc lập tuyến tính và phụ thuộc tuyến tính

Thuật toán tính lũy thừa nhanh. Giải thích một cách đơn giản