Những cuốn sách hay tôi đã đọc năm 2018 (Phần 2)
Tiếp tục phần 1 nào!
Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya (Higashino Keigo)
Higashino Keigo là một trong những nhà văn trinh thám nổi tiếng của Nhật, đã từng đoạt được nhiều giải thưởng văn học với tác phẩm của mình. Cá nhân cuốn tiểu thuyết này đã đạt được giải thưởng Chuokoron vào năm 2012.
Một tối, có ba tên trộm đã lẻn vào một tiệm tạp hóa cũ kỹ bỏ hoang tên Namiya. Đó lẽ ra chỉ là một tối bình thường nhưng trong căn nhà bắt đầu có những hiện tượng kỳ lạ. Họ đang đối mặt với cái gì? Chuyện gì đang xảy ra? Higashino thật tinh quái khi cứ mỗi phần, ông lại kể cho chúng ta các mốc thời gian khác nhau xung quanh tiệm tạp hóa. Những mảnh ghép rời rạc của một bức tranh chúng ta đang muốn hoàn thiện, câu hỏi đang muốn trả lời. Để rồi... Eureka!! Ta nhận ra một điều kỳ diệu khi cuốn sách kết thúc. Cá nhân tôi cảm nhận được dư âm đọng lại trên cuốn tiểu thuyết khi hoàn thành. Khi bức tranh đã được trưng bày, tôi cũng mong bạn dành ra vài phút nhìn ngắm nó nhé!
Nguồn cội (Dan Brown)
Đây là một tác phẩn đã được dịch lại và xuất bản năm 2017 nhưng cho đến gần cuối năm 2018 tôi mới quyết định mua. Cũng vì là trước giờ cá nhân tôi không có nhiều hứng thú với tiểu thuyết, đặc biệt là những cuốn vừa to vừa dày như cuốn này. Phải nói rằng, tôi đã lầm. Nếu nhắc đến một nhà văn có thể kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố mật mã, biểu tượng, lịch sử và nghệ thuật thì tôi chắc chắn rằng tên ông phải nằm trong danh sách đó.
Robert Langdon là giáo sư về mật mã và biểu tượng tôn giáo của trường đại học Havard. Một lần ông đến dự một sự kiện khoa học do Edmond Kirsch, một tỷ phú khoa học (giống Tony Stark) và đồng thời là bạn của Langdon, ở Tây Ban Nha. Một sự kiện mà Edmond sẽ công bố một phát hiện khoa học không phải làm lung lay nền tảng của mọi công giáo mà là... đập vỡ nó.
-Chúng ta đến từ đâu?
-Chúng ta đang đi về đâu?
Hai câu hỏi đã ám ảnh nhân loại nay sẽ được nhà khoa học này tiết lộ. Đó là gì? Bạn phải tự tìm hiểu thôi.
Xuyên suốt hành trình này, tôi có cảm giác không phải mình đang đọc một cuốn sách mà đang xem một bộ phim sống động. Tôi khâm phục tài năng của Dan Brown khi ông khéo léo đưa những tác phẩm nghệ thuật cùng những phân tích vào câu truyện của mình để người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Tôi cũng khâm phục cái cách mà ông lôi tôi đi khắp Tây Ban Nha bằng những trang giấy, ghé thăm những kiến trúc hùng vĩ nơi đây và hướng dẫn tôi thăm quan từng ngóc ngách trong địa danh nơi xứ người.
Khi hơi thở hóa thinh không (Paul Kalanithi)
Đây là cuốn sách đã khiến Bill Gates nhận xét rằng nó đã khiến ông hết mực xúc động. Bạn có thể xem bài gốc trên blog của ông ở: https://www.gatesnotes.com/Books/When-Breath-Becomes-Air
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi bên cạnh việc đam mê y khoa ông cũng nung nấu sở thích viết lách của mình để có thể cho ra đời một cuốn sách của riêng ông. Toàn bộ cuốn sách là tấm gương phản chiếu tâm tư của ông trong suốt sự nghiệp của mình. Ông nói về nhiều thứ, từ công việc mà một bác sĩ nội trú phải đảm nhiệm đã chiếm gần hết thời gian và sức lực của họ. Từ những trải nghiệm đầu tiên khi ông mới hành nghề đến khi ông nhận ra được trách nhiệm mà một bác sĩ phẫu thuật thần kinh đang mang trên vai. Giữa quyết định để cho một bệnh nhân tận hưởng cuộc sống bình thường trong vài tháng hay làm phẫu thuật để cứu sống anh ta nhưng đổi lại anh ta sẽ bị liệt suốt đời. Cái nào đáng giá hơn? Các bác sĩ phẫu thuật thần kinh luôn phải gặp những trường hợp như vậy. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Paul phát hiện mình dính phải căn bệnh ung thư. Anh viết về quá trình anh từ một bác sĩ bây giờ lại nằm trên giường bệnh, cách anh chiến đấu với căn bệnh ung thư của mình cho đến khi hơi thở lặng lẽ hóa thinh không.
Đây là một cuốn sách thật sự sâu sắc và cảm động. Không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội lắng nghe những suy nghĩ của một con người đã tiếp xúc với ranh giới của sự sống và cái chết gần đến như thế.
-Cuộc sống là gì?
Tôi tự hỏi sau khi nhẹ nhàng gấp cuốn sách lại.
Bài giảng cuối cùng (Randy Pausch)
Hoàn thành "Khi hơi thở hóa thinh không" khiến tôi liên tưởng đến Randy Pausch. Ông là giáo sư Tin học tại Đại học Carnegie Mellon. Ở các trường Đại học, giáo sư thường được mời tổ chức một buổi nói chuyện coi như là bài giảng cuối cùng khi họ chuẩn bị chia tay ngôi trường. Việc nhận thức mình đang mắc phải căn bệnh ung thư và nỗi lo lắng khi mình không thể tiếp tục bên cạnh ba đứa con nhỏ của mình đã là động lực giúp ông đồng ý thực hiện bài giảng cuối cùng với tiêu đề "Achieving Your Childhood Dreams" như lời nhắn nhủ của mình tới ba đứa con nhỏ. Bạn có thể xem buổi nói chuyện ở: https://youtu.be/ji5_MqicxSo
Có thể bạn sẽ nghĩ không khí của cuốn sách và buổi nói chuyện sẽ ảm đạm lắm. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Buổi nói chuyện tràn đầy tiếng cười và tôi phải nói rằng Randy là một người đàn ông đầy tích cực. Cuốn sách cũng thế, ông đã cho tôi rất nhiều bài học và lời khuyên bổ ích. Tầm nhìn của ông về sự kỳ diệu của máy tính (điều mà đa số đã trở thành sự thật) và cách ông nhìn và giải quyết những khó khăn ông gặp phải. Có một câu nói to đùng của ông được in sau cuốn sách
"Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó."
Tuy nhiên, cá nhân tôi thích nhất vẫn là câu này.
"Những bức tường gạch ở đó là có lý do. Chúng không phải là để ngăn cản ta. Mà là cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ rằng ta muốn một điều gì đó nhiều như thế nào. Bởi vì những bức tường gạch hiện hữu vốn dĩ để ngăn cản những người không muốn điều đó đủ nhiều. Chúng ở đó còn để dừng những người khác nữa."
Khi đọc sách, chưa bao giờ tôi thấy một con người sắp rời xa cuộc sống lại tràn đầy sự sống như thế. Tôi, đang sống, liệu có được như Randy?
Nhận xét
Đăng nhận xét