Bệnh "sợ" tiếng Anh và làm sao để vượt qua nó

Photo by Drew Beamer on Unsplash

Trong năm vừa qua ở Đại học, mình nhận ra rằng mình gặp trường hợp là các sinh viên dường như sợ tiếng Anh. Vừa rồi, mình có tham gia một lớp Anh Văn của trường, nơi mình mong là mình sẽ có cơ hội cải thiện thêm khả năng nói của mình. Giảng viên của lớp mình là một người tuyệt vời, cô có đưa ra vài lời khuyên hữu ích trong việc học và rất tận tình giải đáp thắc mắc của sinh viên. Ngoài ra, cô còn khuyến khích việc giao tiếp bằng tiếng Anh trong lớp và hạn chế tiếng Việt. Rõ ràng là một cơ hội tuyệt vời cho mục đích của mình. Thế nhưng, không như mình tưởng, trong lớp phần lớn gặp vấn đề với việc nói chuyện bằng tiếng Anh. Mình không nói đến những bạn có khả năng tiếng Anh chưa tốt trong lớp vì ít nhất họ còn cố gắng luyện tập bằng cách sử dụng nó. Những bạn mà mình nhắc đến ở đây là những bạn tránh giao tiếp tiếng Anh. Khi cần phải trả lời bằng tiếng Anh thì các bạn ấy hoặc là im lặng, hoặc là nói bằng tiếng Việt. Nếu vậy thì làm sao khả năng của bạn tốt lên được?

Nguy hiểm hơn, mình đã gặp trường hợp sinh viên IT đi xin tài liệu tiếng Việt để học lập trình hay một công nghệ nào đó và tránh tuyệt đối tài liệu tiếng Anh. Điều đó đối với mình thật là tai hại. Vì bây giờ nếu khả năng tiếng Anh của bạn không có thì dường như bạn đã bỏ lỡ phần lớn kiến thức trên Internet hiện nay đối với IT nói riêng và những ngành khác nói chung. Bên phương Tây, họ rất cởi mở và sẵn sàng chia sẻ kiến thức họ có. Đến cả những trường đại học như MIT hay Stanford còn sẵn sàng dạy free cho bạn nên bạn dường như không có giới hạn nào trong việc truy cập kiến thức mới và hiện đại nhất. Mong là như vậy, bạn có thể thấy được sự quan trọng của tiếng Anh trong con đường học vấn và có khi là sự nghiệp sau này của bạn.

Vậy, làm sao để bớt sợ tiếng Anh và có thể cải thiện nó? Mình muốn chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm của mình.

Hãy coi tiếng Anh như một công cụ

Cá nhân mình không phải là một người chuyên Anh hay IELTS 9.0, tiếng Anh của mình chỉ dùng ở mức đủ xài thôi. Vì ngay từ đầu mình không thật sự để ý trình độ ngoại ngữ của mình. Mình cũng muốn bạn mang một tư duy như vậy khi tiếp xúc với tiếng Anh. Chủ yếu các bạn ngại là vì các bạn sợ mình chưa đủ khả năng, các bạn sợ mình phát âm sai, nói sai cấu trúc hoặc chưa đủ từ vựng để đọc hay nghe một bài viết hoặc một video. Trong khi đó, tiếng Anh bản chất của nó chỉ là một ngôn ngữ, còn ngôn ngữ thì bản chất là một công cụ để giao tiếp. Không ai bắt bạn giỏi tiếng Việt để có thể nói chuyện cả. Chúng ta giỏi tiếng Việt là do ta bắt buộc sử dụng nó từ nhỏ để báo hiệu cho bố mẹ chúng ta biết rằng chúng ta đói hoặc cần được mang vào nhà vệ sinh gấp. Sau này, chúng ta lại phải học thêm những từ vựng mới khi cần chém gió trong bài văn 90 phút của bạn hay cần gây ấn tượng với crush của bạn. Kể cả bây giờ, tôi cũng đang cải thiện khả năng tiếng Việt của mình bằng cách "nói nhảm" với các bạn thông qua bài blog này. Tôi phải kiếm thêm nhiều cách để liên kết câu hay diễn đạt ý để các bạn không tắt blog này đi bởi vì nó quá nhàm chán. (Cơ mà bạn còn đó không đấy?). Đó là đặc điểm của công cụ, chúng ta sử dụng, nhận ra thiếu sót và bồi dưỡng. Điều tương tự cũng diễn ra với tiếng Anh, bạn sử dụng chúng càng nhiều thì bạn mới nhận ra được những thiếu sót của mình để làm bước thang cho quá trình cải thiện thêm. Ngược lại, bằng cách coi tiếng Anh như là một môn học đã khiến bạn rơi vào cái vòng lặp sợ tiếp xúc (lấy nguyên nhân là không đủ trình) dẫn đến không tiến bộ rồi vì thế vẫn sợ tiếp xúc.

Đây là lời khuyên của mình: Tạo mọi điều kiện để tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn

Chuyển điện thoại, máy tính, Facebook sang tiếng Anh. Tìm kiếm Google bằng tiếng Anh, hãy gõ cả một câu vào thanh tìm kiếm nếu bạn không biết từ chuyên ngành của nó là gì, đừng ngại. Google won't judge. Dành thời gian ra nghe những video tiếng Anh về chủ đề bạn thích hoặc hứng thú. TED là một nguồn rất hay để tiếp xúc với tiếng Anh đa quốc gia vì ở đó sẽ có tiếng Anh của người Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha. Netflix cũng là một nguồn bổ ích để bạn làm quen với cách nói lười của người bản xứ, miễn sao đừng bật phụ đề Việt. Nếu thấy khó khăn quá thì bạn cứ bật phụ đề tiếng Anh để hỗ trợ. Phụ đề Anh bổ ích hơn phụ đề Việt nhiều vì nó giúp bạn quen mặt chữ và cách phát âm.

Cải thiện khả năng đọc cũng vậy, hãy đọc nhiều hơn. Không nhất thiết phải là những quyển sách tiếng Anh nếu bạn không có tiền. Hãy đọc blog của người nước ngoài, đọc tweet và đọc báo điện tử như CNN hay BBC. Medium cũng là một nền tảng tốt để tiếp cận với các bài blog tiếng Anh theo chủ đề bạn yêu thích.

Nói và viết cũng áp dụng theo cách tương tự. Nhưng điểm mấu chốt là bạn phải đọc và nghe ổn trước đã. Chúng ta từ khi là các đứa trẻ phải nghe trước khi có thể nói và đọc trước khi có thể viết đúng không nào? Tuy nhiên bạn cũng cần phải luyện tập cách tư duy bằng tiếng Anh để có thể nói và viết ổn. Vì việc nói/viết một câu tiếng Việt rồi dịch lại sẽ phần nào chậm hơn và thiếu tự nhiên hơn. Mình đã gặp tình trạng muốn nói một câu bằng tiếng Anh nhưng lại nghĩ bằng tiếng Việt trước dẫn đến không thể diễn tả hết hoặc quên cách diễn đạt bằng ngôn ngữ xứ người. Để luyện tập khả năng tư duy này thì cách mình biết chắc là cứ độc thoại thôi. Nếu cảm thấy không độc thoại được thì bạn hãy kiếm một con thú nhồi bông để đặt trước mặt và cứ thế quên trời quên đất mà chém. Nói không có chủ đề cũng được mà nói về crush cũng được. Mấu chốt là để não không có thời gian chuyển đổi tiếng Anh sang tiếng Việt mà phải hoạt động với tiếng Anh luôn.

Những gì mình nói ở trên không có gì mới và đã được áp dụng và đề xuất bởi nhiều người khác.

Học theo ngữ cảnh, đừng học theo định nghĩa

Ngữ cảnh (context) tức là bối cảnh được sử dụng trong câu đó, nghĩa của một từ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào ngữ cảnh trong câu chứ không phải nghĩa của từng chữ. Ví dụ như từ "đá" vừa có thể là hành động đá, vừa có thể là cục đá trên đường hay viên đá trong tủ lạnh. Tiếng Anh cũng vậy. Vậy nên mình thấy việc học từ mới bằng cách ghi nghĩa tiếng Việt là một cách cực kỳ ngu ngốc. Mình có nghe một câu mà anh PewPew nói rất chuẩn đó là:
Muốn học tiếng Anh thì vứt cuốn từ điển Anh-Việt đi.
Hãy thay thế bằng từ điển Anh-Anh và kiếm các từ đồng nghĩa để tăng khả năng hồi tưởng. Đồng thời gõ từ đó vào Google và chuyển qua mục News để xem cách người bản xứ sử dụng từ đó. Nếu đó là danh từ, mở qua mục Hình ảnh của Google sẽ dễ nhớ và tăng khả năng gợi lại hơn. Vì khi bạn đọc đến từ "cái ghế" mà tôi vừa ghi đây thì trong vô thức thứ bạn nghĩ đến đầu tiên chính là hình ảnh cái ghế.
Cá nhân mình không chú ý quá nhiều về học idiom vì nghe nhiều thì cũng dễ nhận ra.

Vui lên!

Thú nhận đi, nếu bạn không giỏi tiếng Anh thì bạn coi nó chẳng khác nào là cực hình. Điều đó không tốt, não bộ bản chất của nó không thể học tập dưới áp lực. Bạn phải tìm thấy được một thứ gì đó để tận hưởng khi tiếp cận với tiếng Anh. Lúc đó bạn mới sẵn sàng mắc sai lầm để học hỏi.

Mình còn nhớ hồi lớp 11 mình có vô tình ngồi trên xe buýt chém gió với một ông du khách người Đài Loan, nghe ông đó hỏi về Việt Nam mà biết trả lời ngược lại hãnh diện lắm (mặc dù ngữ pháp sai tùm lum). Hay lúc giúp vài người Tây "đàm phán" với bà bán bánh mì để rồi được họ cảm ơn cũng là một trong những khoảng khắc khiến mình nhận ra việc học tiếng Anh đối với mình hạnh phúc nhất không phải là để lấy con điểm 9 điểm 10 khi thi mà là để giúp người trên xứ mình và giúp mình trên xứ người. (xứ người ở đây là internet đó)

Kết

Và đó là những gì mà mình tích góp được trên quãng đường tiếp xúc với tiếng Anh. Thật ngạc nhiên là mình ban đầu rất dở tiếng Anh (nhất là phần phát âm) và sau 1, 2 năm thì mình được vài người cho biết về sự tiến bộ của mình. Có vẻ như tiếng Anh là cả một quá trình mà nếu bạn chú tâm vào từng bước đi, thì khi ngoảnh lại, bạn sẽ không ngờ rằng mình đã đi xa đến thế nào đâu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phép phân tích ma trận A=LU

Độc lập tuyến tính và phụ thuộc tuyến tính

Thuật toán tính lũy thừa nhanh. Giải thích một cách đơn giản