Mình đọc sách vì lý do gì?
Mình nghĩ là trước khi thực hiện một hành động nào đó, ta luôn phải có lý do để thúc đẩy bản thân. Việc đọc cũng vậy, hằng ngày mình cố gắng đọc nhiều nhất có thể thông qua sách cũng như trên Internet với nền tảng như Medium. Vậy tại sao mình phải chịu khổ như vậy? Mọi người chắc cũng đều biết việc đọc hàng đống chữ khó khăn ra sao.
Đơn giản thôi, vì sách là cội nguồn của tri thức, một thế giới mới trong sách mở ra hàng ngàn điều thú vị và mới mẻ .... Quên đi, hồi xưa giáo viên bắt viết vậy chứ lúc đó mình cũng có hiểu gì quái đâu. Lại nào! Dưới đây là những gì mình cảm nhận về việc đọc từ khi mình bắt đầu biết cầm cuốn sách lên đến bây giờ.
Khởi đầu
Mình còn nhớ cuốn sách đầu tiên mình mua về và đọc là hai cuốn phần 2 và 3 của Sherlock Holmes. Nói thật thì mình đếch nhớ tại sao mình lại mua Sherlock Holmes về đọc, nhưng sau khi đọc xong thì cũng thấy hay và không đọc nữa. Có lẽ mình sẽ không cầm một cuốn sách nào nữa lên đọc nếu không vì lý do ... không có Internet. Lên cấp 3 thì mình chuyển nhà và xui rằng nhà mình sẽ không có mạng trong hai tuần chờ người đến lắp. Không biết các bạn thì sao chứ lúc đó đối với mình là hai tuần đau khổ nhất và dai dẳng nhất cuộc đời này và để quên đi cơn buồn chán này thì mình ... yup ... đọc.Như các bạn thấy đấy, cuộc tình của mình và sách chẳng có phần nào lãng mạn hoặc là trong một khoảnh khắc được khai sáng, mình được giác ngộ về việc đọc cả. Đọc lúc đó cũng chỉ như là một phương tiện để giải trí, để gây xao nhãng và thay thế một thứ khác.
Vào guồng
Có lẽ mình bắt đầu nghiêm túc về việc đọc nhiều sách từ đầu hoặc giữa năm lớp 11. Cái động cơ duy nhất lúc đó của mình là sau khi đọc những câu kiểu như:- Những người giàu thường đọc nhiều sách.
- Đọc sách là con đường duy nhất để dẫn đến thành công.
Vậy là, từ một thằng tìm hiểu và đọc sách vì muốn thành công (thật ngại khi phải viết như vậy), mình tìm thấy những hứng thú khác và bắt đầu dịch chuyển mục tiêu sang một ngã rẽ mới.
Tăng tốc và va đập
"Tôi tự học", "Óc sáng suốt" của Nguyễn Duy Cần, "Thuyết tương đối rộng và hẹp" của Albert Einstein, do Nguyễn Xuân Xanh dịch là những cuốn sách tác động lớn tới mình. Vì đây là những cuốn sách mình đọc mà KHÔNG HIỂU cái gì cả.- Thời gian, không gian bị uốn cong??
- Một người di chuyển trong không gian khiến thời gian của anh ta dài thêm và anh ta trông ngắn đi??
- Hệ quy chiếu là cái gì??
Vâng, bộ não nhỏ nhoi của mình bị quá tải các bạn ạ. Đó là mình chưa nói đến những tác phẩm của cụ Nguyễn Duy Cần có sử dụng nhiều từ ngữ lúc đó còn nằm ngoài từ điển của mình và có nhiều đề xuất cụ đưa ra như là một con người phải biết/đọc về Lịch Sử, Địa Lý, Thiên Văn hay Triết học là những thứ lúc đó mình thấy không cần thiết, lỗi thời và khô khan. Mình cũng còn nhớ rằng phương pháp cụ đọc một cuốn sách bao gồm 3-4 giai đoạn lòng vòng và phức tạp đến vô lý. Cho đến bây giờ, mình mới nhận ra sự hữu ích và đúng đắn của chúng. Khoảng 2 năm sau khi mình đọc nó.
Nếu bạn không biết Lịch Sử (ít nhất là Lịch sử thế giới), bạn sẽ không thể trích xuất hết những cái đẹp trong những cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bạn sẽ không thể đọc được những cuốn như "Súng, Vi trùng và Thép", "Sapiens" hay "Tại sao các quốc gia thất bại" nếu không biết về cả Lịch Sử và Địa Lý. Từ đó mình mới biết rằng, đọc sách không chắc có thể mang lại thành công hay không nhưng nó giúp ta tìm thấy điểm mù của mình, củng cố và nâng cấp kiến thức cho bản thân. Các bạn sẽ cho rằng:
- Tại sao mình phải làm như vậy? Chẳng phải chỉ cần những kiến thức thấp là đủ sống rồi sao? Biết thêm mấy cái như Vật Lý, Triết Học, Lịch Sử, Địa Lý thì liên quan gì với một thằng làm Công nghệ Thông tin? Có ai sử dụng đạo hàm, tích phân để đi chợ đâu.
Đúng là như vậy, nhưng mình có 2 lý do để làm vậy:
- Một là mình thấy cần thiết. Những cuốn sách như "Sức mạnh của thói quen", "A mind for number" đã giúp mình biết rõ hơn về thói quen và cách học là những thứ ánh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mình. "Khi hơi thở hóa thinh không", "Bài giảng cuối cùng" giúp mình biết được những gì một người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư suy nghĩ, trải qua và gửi gắm lại khi họ biết mình không còn nhiều thời gian. Những gì mình thích không phải là đọc sách mà được biết, được khám phá những kiến thức mới và đối thoại với những con người ở cách mình hàng vạn dặm và có khi là không còn nữa. Về kiến thức, dù các bạn không cần đạo hàm để đi chợ nhưng bạn có thể sử dụng đạo hàm để huấn luyện một con AI có thể đi chợ giùm bạn. Những kiến thức cao có thể được sử dụng để giải quyết vấn đề với độ khó cao hoặc tiếp thu những kiến thức mới mà từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
- Hai là ... Thật chứ? Đủ sống liệu có phải là lý do chúng ta ngừng tiếp thu kiến thức không? Thời đại 4.0 rồi nên cái gì cũng liên quan tới nhau và đặc biệt liên quan tới Công nghệ Thông tin như trong Sinh học đang cần giải quyết bài toán về chuẩn đoán bệnh bằng thị giác máy tính, Vật lý đang có hai vấn đề khác nữa là công nghệ nano và máy tính lượng tử. Bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu về những vấn đề dang dở này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận nhắm mắt trong khi đi qua một vườn hoa tươi đẹp. Thú thật với các bạn, đối với mình, kiến thức cũng có một sức hút nhất định khiến mình không thể ngừng tìm hiểu. (Hoặc mình là một con mọt)
Ổn định
Với những lý do trên nên mình đã quyết định tạo thói quen đọc. Như mình đã nói, mình đọc cả sách và cả những bài viết trên Medium hoặc Spiderum (tức là mình không chỉ đọc sách suốt) miễn sao đó là những nguồn đọc chất lượng và sâu. Khác với Facebook hay báo chí là nơi gồm nhiều tin tức giải trí, không sâu và có khi là còn hoàn toàn sai sự thật.Một điểm lợi nữa khi duy trì việc đọc mà mình mới biết gần đây đó chính là cải thiện khả năng tập trung nhờ có một khoảng thời gian để tránh xa công nghệ, mạng xã hội (hoàn toàn gây xao nhãng). Việc đọc nhiều cũng giúp mình có khả năng phân tích thông tin tốt hơn, dễ dàng tóm lược và tổng hợp thông tin. Bây giờ, mình đọc chủ yếu để củng cố kiến thức và tìm hiểu thêm những lĩnh vực mình có hứng thú. Mình đã đọc ít self-help lại vì chủ yếu chúng đều dựa trên một vài ý tưởng cốt lõi với các cách tiếp cận khác nhau. Minh cũng đọc tiểu thuyết song song với phi tiểu thuyết để đổi gió cũng như để cho có một sự cân bằng nhất định giữa những gì mình đọc.
https://drive.google.com/file/d/1mFCLSLEmh1LQwZqGHLzimBFPNQgzjz8q/view?usp=sharing
Trả lờiXóa