Thư - Keigo Higashino


Tôi vừa đọc xong cuốn "Thư" của tác giả Keigo Higashino. Bạn có thể biết ông thông qua các tác phẩm như "Phía sau nghi can X" hay "Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya". Trong tác phẩm lần này, Keigo mang đến cho chúng ta câu chuyện về cuộc sống của người em Naoki khi có anh trai là thủ phạm của một vụ cướp của giết người. Tuy nhiên, không giống như những gì chúng ta thấy trong phim ảnh thường ngày sử dụng chất liệu này để miêu tả về cuộc sống tù ngục. Đối với Keigo, đó chỉ là cái cớ để dẫn ta vào một thế giới khác, thế giới của những người thân của thủ phạm bị những con người trong xã hội kỳ thị vì là người thân của một kẻ giết người. Cậu chỉ có một mình khi phải chống chọi tất cả.

Tuy nhiên, điều đáng ghét là, thay vì là một người đưa đường dẫn lối cho câu chuyện, Keigo chỉ làm một tấm gương bình thản, vô cảm phản chiếu sự thật. Hết lần này đến lần khác, tôi đều cảm thấy bức xúc với cách mà mọi người đối xử với Naoki nhưng rồi phải tự rủa mình khi nghĩ liệu trong trường hợp đó, liệu mình sẽ không làm như vậy. Tôi thấy căm hận người anh trai khi đã hành động đường đột để đẩy em trai vào tình thế hiện thời nhưng lại phải tự rủa mình khi biết rằng nguyên nhân là vì anh nghĩ cho cậu. Khi trong tù, công cụ duy nhất để liên lạc với thế giới bên ngoài và với em trai anh là qua những bức thư. Nhưng anh đâu biết những bức thư đó đã đặt Naoki vào tình cảnh khổ sở đến nhường nào. Anh vừa có tội mà cũng vừa không có tội và điều đó khiến tôi không khỏi đau đầu. Người đó khiến tôi nhớ lại nhân vật Lennie trong tác phẩm "Của chuột và người" của John Steinback, một người khờ nghệch và tốt tính nhưng lại bị số phận thao túng dẫn đến cái kết cay nghiệt.

Rốt cuộc thì, trong văn học của Keigo không có người xấu hoàn toàn mà cũng không có việc gì là xấu hoàn toàn. Điều đó, ông để chúng ta, người đọc, là những kẻ quyết định mà qua đó ta có cơ hội được tự vấn với chính bản thân mình, với những suy nghĩ mà dường như nếu không qua ngòi bút ấy, ta có thể không bao giờ để ý đến đó. Đó cũng đồng thời là sự thiên tài trong cách vận bút của Keigo, ông hoàn toàn có sức mạnh điều khiển con chữ, sử dụng ngòi bút như nòng súng để hướng cảm xúc (ghét, yêu) của tác giả về hướng mà ông mong muốn. Nhưng ông đã không làm như vậy, như một tấm gương, ông chỉ viết những gì là sự thật và bỏ mặc người đọc với nó. Cũng vì thế mà tác phẩm "Thư" này cũng có sự ám ảnh nhất định. Tôi ám ảnh về toàn bộ cuốn sách này cũng như cái kết của nó. Đọc cuốn sách cứ như một đang trải qua một cuộc "tra tấn" nhẹ nhàng nhưng dai dẳng. Tôi không có cách nào để cãi lại những lý do mà nhân vật phải lâm vào các tình cảnh như trong sách nhưng lại không chấp nhận sự hiện diện của nó. Còn cái kết, tôi không muốn tiêt lộ quá nhiều nên sẽ không nói ở đây.

Dù sao, Keigo cũng cho chúng ta được nhiều bài học: rằng con người không phải loài vật lý trí như chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể thích táo hơn cam, thích cam hơn lê nhưng rồi lại thích lê hơn táo. Trong tác phẩm này cũng vậy, vẫn là táo, cam, lê nhưng chúng chỉ thay đổi bối cảnh thôi. Ta không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai được và mọi thứ vẫn tồn tại như thế.

Nhận xét

  1. Ố ồ em viết hay á. Nói lên được cái đặc điểm chung của văn học Nhật. Tra tấn nhẹ nhàng mà dai dẳng. Hay hay ^^

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phép phân tích ma trận A=LU

Độc lập tuyến tính và phụ thuộc tuyến tính

Thuật toán tính lũy thừa nhanh. Giải thích một cách đơn giản