The Outliers: Các thiên tài có những gì?



Thật ra, tôi đã hoàn thành cuốn sách "The outliers" (Bản dịch lại có tên là "Những kẻ xuất chúng") của Malcolm Gladwell lâu rồi nhưng đến bây giờ tôi mới có thời gian để nhìn lại những gì nó đã mang đến cho tôi. "The outliers" không phủ nhận đã nhận được nhiều ý kiến tích cực từ phía đọc giả. Các blogger và các vlogger nhận xét rằng đây là một trong những cuốn sách đáng đọc và đã gây tác động lớn đến họ. Vậy tại sao "The outliers: The story of success" lại thành công đến như vậy?

Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi gặp cuốn này chính là sự khinh thường. Chính cái tên "Những kẻ xuất chúng" và lời giới thiệu trên trang bìa tạo cho tôi một chút gì đó khó chịu khi đọc nó. "Tại sao tôi lại phải biết những kẻ khác có gì để khiến họ xuất chúng chứ?" - là câu hỏi mà tôi đã đặt ra khi đọc hết phần giới thiệu. Tôi biết tôi khó chịu vì điều gì, tôi sợ rằng cuốn sách có thể nêu lên những đặc điểm, điều kiện và tố chất mà những kẻ xuất chúng sở hữu một cách bẩm sinh. Đó là những thứ không thể thay đổi được và dường như chỉ có được ở những "kẻ được chọn". Tôi đã lầm.

Từ sự thật khốc liệt

Trong giải khúc côn cầu thanh thiếu niên ở Canada, một sự trùng hợp kỳ lạ đã diễn ra nhưng không ai ngờ tới đó là đa số thành viên trong đội hình của Medicine Hat Tigers đều được sinh ra vào tháng Một và tháng Hai. Có vẻ như bằng một cách nào đó, những đứa trẻ sinh ra trong tháng Một và Hai lại có "tài năng khúc côn cầu" hơn những đứa trẻ khác. Nhưng không phải, Canada là một nước yêu khúc côn cầu và những đứa trẻ từ nhỏ đã được tiếp xúc với môn thể thao này. Chính những đứa trẻ được sinh ra vào tháng Một và Hai (tháng sớm nhất trong năm) đã có nhiều thời gian hơn với bộ môn này, tạo một lợi thế cách biệt so với những bạn đồng trang lứa (đặc biệt là với tháng Mười Hai).

Nhưng sự khốc liệt là ở đây, những đứa trẻ đó do cách biệt về thời gian sinh trưởng không những có nhiều kinh nghiệm hơn mà còn hoàn thiện hơn về mặt thể chất. Sự vượt trội này của chúng gây ra sự hiểu nhầm về năng lực của chúng cho các huấn luyện viên và chúng được chọn vào đội tuyển. Chương trình luyện tập và sự chăm sóc trong đội tuyển lại bồi dưỡng thêm kỹ năng của những đứa trẻ đó. Cuối cùng, chỉ với một chút lợi thế ban đầu, những đứa trẻ tháng Một và Hai đã bỏ xa những đứa khác và trở nên xuất chúng.

Tôi rất đồng cảm với trường hợp trên, khi các trường chuyên lớp chọn và đội tuyển dường như là một từ rất quen thuộc trong giáo dục nước ta xuyên suốt bậc tiểu học đến THPT. Các học sinh học trong trường chuyên lớp chọn có thể nhận được sự quan tâm nhiều hơn so với những lớp thường, điều này khiến cho khả năng của các học sinh trong lớp chọn tiến xa hơn và làm cho chúng ta hiểu nhầm rằng các học sinh thuộc khối ưu tú này xuất chúng hơn những đứa trẻ ở khối còn lại.

Điều này cũng đúng với sự thành công của Bill Gates, được học trong một trường có máy tính từ sớm, trong thời kỳ mà máy tính chưa phổ biến như bây giờ. Gates dường như bị quyến rũ bởi chiếc máy kỳ diệu này cũng là động lực cho ông tìm hiểu và tự học lập trình ngay từ rất nhỏ. Lợi thế ban đầu này sau đó đã mang đến cho Gates cơ hội viết phần mềm cho trường và cho các công ty công nghệ thời buổi đầu (thời buổi mà các lập trình viên còn thiếu thốn và họ phải chấp nhận thuê một cậu thiếu niên) lại mài dũa khả năng của ông hơn. Thế là Bill Gates đã được trang bị đủ trước khi xảy ra sự bùng nổ trong thị trường máy tính khiến cho kỹ năng ông có được đột nhiên trở nên quý giá.

Đến những lời truyền cảm hứng

Các chương đầu của cuốn sách thật sự là tuyệt vọng. Những thiên tài dường như được sinh ra chứ không phải được tạo thành. Họ được sinh ra tại thời điểm thuận lợi đã tạo cho họ một lợi thế lớn để phát triển bản thân. Đó là điều mà chúng ta không thể kiểm soát hay thay đổi được.

Nhưng ở những chương sau, thông điệp mà Malcolm Gladwell muốn gửi gắm mới thật sự được lộ rõ. Tất cả mọi thiên tài đều mang hai yếu tố trọng yếu. Đó là thời gian họ bỏ ra cho việc luyện tập và cơ hội họ được mang đến để phát triển bản thân.

Một khảo sát cho thấy rằng cần một khoảng thời gian tối thiểu bỏ ra luyện tập để một người có thể trở nên thành thạo trong một lĩnh vực. Con số cụ thể là 10.000 giờ. Bill Gates, The Beatles, Mozart, .etc đều trải qua khoảng thời gian tối thiểu là 10.000 giờ để luyện tập và nâng cao trình độ bản thân. Điều quan trọng hơn là họ được trao cho cơ hội để làm điều đó.

Tôi xin được trích một đoạn trong tác phẩm của ông:
"The lesson here is very simple. But striking how often it is overlooked. We are so caught in the myths of the best and the brightest and the self-made that we think outliers bring naturally from the earth. We look at the young Bill Gates and marvel that our world allowed that thirteen-year-old to become a fabulously successful entrepreneur. But that's the wrong lesson. Our world only allowed one thirteen-year-old unlimited access to a time-sharing terminal in 1968. If a million teenagers had been given the same opportunity, how many more Microsofts would we have today? "
- Malcolm Gladwell
Dường như chúng ta đã quá mù quáng tin theo sự ngộ nhận của mọi người về thiên tài mà quên rằng họ ban đầu cũng chỉ là những con người. Không có tài năng trời phú nào cả, không có món quà thiên bẩm nào tạo nên những thiên tài. Tất cả đều được hình thành từ sự luyện tập bền bỉ và nhẫn nại, liên tục tìm kiếm cơ hội để phát triển khả năng của mình. Có thể chúng ta được trao cho những cơ hội tuyệt vời như Bill Gates từ thế giới, nhưng chúng ta có thể tìm kiếm ở thế giới cơ hội để phát triển kỹ năng của mình và chờ đợi thời điểm để tỏa sáng.

Đó là những gì tôi rút ra được từ cuốn sách này. Để kết thúc bài viết này, xin được trích dẫn một câu quote trong cuốn sách mà tôi đặc biệt yêu thích:
"No one who can rise before dawn three hundred sixty days a year fails to make his family rich."
- Chapter 8: Rice Paddies and Math Tests

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phép phân tích ma trận A=LU

Độc lập tuyến tính và phụ thuộc tuyến tính

Thuật toán tính lũy thừa nhanh. Giải thích một cách đơn giản