[Root talk] Những khó khăn khi tự học
Trong những tuần vừa qua, mình có tạm dừng việc viết blog để tập trung học thêm các kiến thức cho những lĩnh vực mà mình yêu thích. Trong các tuần đó, khi mình đã có nhiều thời gian hơn do không phải quan tâm đến chuyện trường lớp thì mình nhận ra việc tự học hóa ra là một việc khó khăn. Lý do vì sao sẽ được mình nói đến trong bài blog này.
Có quá nhiều thời gian
Mình có cảm giác rằng mình tự học hiệu quả hơn ở trong năm học, khi mà mình có ít thời gian rảnh hơn, thay vì trong hè. Có thể nói, khi bạn có quá nhiều thời gian thì bạn dường như cũng quên mất đống thời gian ấy quan trọng như thế nào. Mình bắt đầu coi Netflix và Youtube nhiều hơn thay vì ngồi vào ghế đàng hoàng và tập trung học. Dù có học, mình hoặc 5-10p lại mở điện thoại lướt Facebook một lần hoặc vừa học vừa lướt Facebook luôn.Mấu chốt của sự lãng phí này đó chính là khả năng quản lý thời gian của mình còn quá kém. Việc không lập kế hoặc trước cho một ngày của bạn khiến bộ não của bạn không biết nên làm gì tiếp theo và nó sẽ bắt đầu làm điều mà nó giỏi nhất. Những công việc dễ dàng. Đây là trường hợp mình cũng đã từng gặp ở một vài bạn của mình, họ muốn có thể tự học một cái gì đó như lập trình, vẽ, làm game,... nhưng họ lại không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm như thế nào hoặc thậm chí không kiếm được thời gian để học. Theo mình, đây là kết quả của việc không lập kế hoạch về việc họ sẽ làm trong ngày. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng việc lập kế hoạch là một việc khô khan, cứng nhắc, rằng kế hoạch của bạn đằng nào chẳng vỡ hoặc bạn chỉ làm tốt nhất khi có hứng thì mình xin thằng thừng phản đối điều đó.
Có một câu nói mình rất thích về việc lập kế hoạch như sau:
"Plans are shit. Planning is important."Tạm dịch là "Kế hoạch là những thứ vô dụng. Việc lên kế hoạch mới là quan trọng ". Và đó cũng chính là ý cốt lõi của sự cần thiết của việc lên kế hoạch. Theo giáo sư Oakley có nói trong cuốn sách "A Mind for Number" (đã có bản dịch tiếng Việt) có nói rằng việc nghiêm túc lên kế hoạch giúp ta nạp sẵn những việc ta muốn làm trong ngày bằng chế độ tư duy tập trung. Sau đó, khi chúng ta nghỉ ngơi hoặc làm những công việc khác, chế độ tư duy phân tán sẽ giúp chúng ta tìm ra cách thực hiện công việc trong tiềm thức. Nhờ đó, khi đến lúc làm, mọi thứ cần làm dường như đã sáng tỏ. Còn những kế hoạch, chúng chỉ là thứ yếu vì bạn luôn có thể lập kế hoạch mới nếu có một sự việc đột ngột nào đó cản trở kế hoạch của bạn. Mấu chốt của việc lập kế hoạch đó chính là dành thời gian để tạo bệ phóng cho những gì bạn sẽ làm tiếp theo. Từ đó giúp bạn tập trung và không bị lệch hướng.Và tin mình đi, nếu các bạn cần cảm hứng để làm một cái gì đó thì nó sẽ không bao giờ xảy ra đâu.
Note: "A Mind for Number" là một cuốn sách cực kỳ hay và hữu ích (chưa kể là dễ hiểu) cho việc học tập mà mình mong các bạn sẽ tìm đọc. Nếu các bạn muốn, mình có thể viết một bài review về nó
Có quá nhiều nguồn học
Nếu bạn đã quen với các nền tảng học trực tuyến phổ biến hiện nay như Khan Academy, Udacity, Coursera, MIT OCW và edX thì bạn sẽ nhận ra rằng cùng một chủ đề nhưng mỗi nền tảng lại cung cấp một đến hai khóa học khác nhau. Ví dụ như mình dạo này đang tìm học về Xác suất Thống kê thì trên edX có khóa "Probability and statistics in Data Science using Python", trên MIT OCW thì có "Statistics for application", Khan Academy cũng có một khóa "Statistics and Probability" và trên Coursera thì cũng có vài khóa tương tự. Tất nhiên, là người học thì ai cũng muốn khóa học tốt và chất lượng nhất nhưng đánh giá các khóa học là một điều rất khó và mất nhiều thời gian để nhận xét chính xác. Trong trường hợp này thì bạn nên tự hỏi với chính mình xem ưu tiên của bạn là gì và chọn ra khóa có thể đáp ứng tốt nhất ưu tiên đó. Trong trường hợp có nhiều khóa đáp ứng ưu tiên của bạn thì đừng ngại học thử chúng. Xem qua các mục lục, các tựa đề cũng như xem thử vài video để xem cách dạy của khóa học có phù hợp với bạn không cũng là ý tưởng không tồi để chọn ra khóa học phù hợp nhất với mình trong thời gian ngắn. Với mình, do ưu tiên của mình là học Xác suất thống kê để phục vụ cho việc học Machine Learning của mình và mình cũng muốn áp dụng nó bằng Python nên mình đã chọn khóa của edX.Còn điều cuối cùng là đừng ngại chuyển qua các khóa khác khi bạn gặp khó khăn về một chủ đề nào đó khi đang theo học khóa hiện tại. Nhiều khi ở những khóa khác, cùng một chủ đề nhưng họ lại có thể giải thích đơn giản hơn đối với bạn. Cá nhân mình thấy rất hữu ích khi làm điều này và mình thường xuyên đổi qua đổi lại 2 đến 3 nền tảng kết hợp với các video trên Youtube để tìm kiếm lời giản cho một chủ đề nào đó mình không hiểu. Đó cũng là một lợi thế và cũng là thế mạnh của việc tự học hay học chủ động. Khác với học thụ động là bạn chỉ nghe từ một nguồn đó là từ giảng viên và bạn không thể linh hoạt chuyển đổi giữa các nguồn khác cũng như phải theo đuổi khóa đó từ đầu đến cuối.
Bài viết hay, ủng hộ.
Trả lờiXóahay ne`, keep posting :))
Trả lờiXóa