Suy nghĩ sách "Điểm đến của cuộc đời"
Tổng quan và Quá trình đọc
Đây là một tác phẩm của bác Đặng Hoàng Giang mà mình đã hoàn thành dạo gần đây. Cuốn sách này là tập hợp 3 hành trình cá nhân của tác giả trong thời gian đồng hành cùng với những người cận tử, những người đã biết rằng họ còn rất ít thời gian trong cuộc sống. Câu chuyện đầu tiên, có lẽ là nhẹ nhất, là về hành trình của một người mẹ sau khi đã mất đi con trai của mình và quá trình sau đó của cô. Tiếp đó là câu chuyện về một người trẻ mà lẽ ra đang ở giai đoạn sáng nhất của cuộc đời nhưng phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Cuối cùng, là câu chuyện của một người mẹ phải trải qua ung thư xương và điều đó đã tác động thế nào đến gia đình cô. Với mỗi câu chuyện là các nhân vật đến từ các hoàn cảnh, giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, ta được trải nghiệm những góc nhìn đa chiều trên hành trình cận tử của các nhân vật. Đầu tiên, mình phải thừa nhận rằng đọc cuốn sách là một quá trình khó khăn vì sự nặng nề mà nó mang lại. Với một người trẻ như mình, cái tuổi còn đang mải mơ màng về tương lai, thì cuốn sách giống như một cái tát trần trụi về sự hiện diện của cái chết. Cái chết nó vẫn luôn tồn tại, nhưng người ta cố lờ nó đi và cho nó là một chủ đề nhạy cảm vì thật sự không ai muốn chết cả, vì chết là hết. Nỗi sợ cái chết dường như đã ám ảnh con người từ những thời điểm ban đầu. Khi mà các pharaoh thực hiện ướp xác mình và xây dựng những kim tự tháp hoa lệ để chuẩn bị một cuộc sống sau cái chết. Mình không biết tại sao lại có nỗi sợ này cũng như liệu sự sống sau cái chết có thực hay không. Nhưng cuốn sách đã giúp mình nhận ra một điều là mình đã vô thức quên mất sự hiện diện của nó. Ngoài ra, sự nặng nề này một phần cũng tới từ một hiệu ứng được gọi là survival's guilt, dằn vặt khi ta là người đang sống và an toàn trong khi vẫn có những người không được may mắn như vậy.
Sự thật và Tuyệt vọng
Thông thường, khi nói về những con người bị mắc bệnh ung thư, ta thường được truyền thông khắc họa về một hình ảnh anh hùng, dám đứng lên chống lại cái chết một cách tích cực hoặc là một bức tranh xám màu của những con người không may mắn. Hiếm khi nào, ta được nhìn thấy một bức tranh tổng thể của sự việc mà chỉ có thể ngó qua khe cửa hẹp của những gì truyền thông muốn khai thác. Đến đây, mình rất cảm kích bác Đặng Hoàng Giang vì đã không đi vào lối mòn này, dù có thể là không đầy đủ bức tranh nhưng qua miêu tả của bác có thể thấy bác đã cố mang một bức tranh giàu màu sắc hơn để chúng ta được biết về cuộc sống của những người cận tử. Từ việc những kỷ niệm nhỏ như món con của họ thích ăn hay những hoạt động mà họ yêu thích thường ngày. Sự ám ảnh của họ khi trải qua các đợt hóa trị đau đớn, đặc biệt là về tinh thần, hay việc họ chán ngán phải nghe đi nghe lại cụm từ "Cố gắng lên" trống rỗng như thế nào. Không chỉ thế, những chi tiết về quá khứ của bệnh nhân cũng được mang đến cho người đọc, từ việc hồi xưa họ được đối xử như thế nào và những yếu tố đã xây dựng họ thành con người như bây giờ. Nói rộng hơn, chúng ta có thể biết họ nhiều hơn dưới hình ảnh một con người bình thường, dù chỉ là thông qua con mắt và các ấn tượng của tác giả về họ. Là con người, khi đối mặt với khó khăn thì không ai là hoàn hảo cả, họ vẫn còn nhớ những tháng ngày bình yên như thường, trốn chạy nó và đau khổ theo những cách riêng. Điều này làm cá nhân mình có cảm giác thân thiết và tôn trọng họ hơn, dẫn đến mình không ngừng tự hỏi điều gì sẽ thực sự xảy ra nếu đó là người thân của mình hoặc chính mình. Tất nhiên, khi đó cũng chẳng dễ dàng để làm gì khác ngoài việc ngừng đọc cuốn sách và hướng tâm tư của mình lên trần nhà.
Vẻ đẹp
Mình không biết nếu nói đây là "đẹp" thì có phải không, nhưng trong hành trình này những con người đang đi qua đau khổ đều trưởng thành và mang lại một điều gì đó tích cực theo cách riêng của mình. Ví dụ như đứa con của người mẹ trong câu chuyện đầu tiên dù còn rất nhỏ nhưng đã biết nói "Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ" trước giờ phút cuối. Mẹ của cậu bé, thay vì đặt mình vào vai trò nạn nhân thì đặt năng lượng và ý nghĩa sống vào việc làm điều có ích đó là tình nguyện nấu những bữa ăn cho các đứa trẻ đang điều trị trong bệnh viện vì đồ ăn trong đó vừa thiếu chất dinh dưỡng vừa khó ăn làm ảnh hưởng đến tâm trí người bệnh. Chị cũng dành thời gian để giúp những người có cùng hoàn cảnh như mình và trở thành chỗ dựa tinh thần cho họ. Về bản thân, chị cũng có nhiều điểm mới về mặt nhận thức, chị biết trân trọng những hạnh phúc nhỏ và buông bỏ những thứ không thể giữ lấy. Mình xin trích một đoạn trong cuốn sách nói về sự buông bỏ mà mình thấy hay:
"Tôi biết rằng vì sao chúng ta giữ người chết sống: chúng ta giữ họ sống để giữ họ bên ta." Joan Didion viết, một năm sau khi chồng bà qua đời. "Nhưng tôi cũng biết rằng để có thể tiếp tục sống, một lúc nào đó, chúng ta cần buông họ ra, cần phải để họ chết"
Tác giả cũng nói thêm: "Buông bỏ chứ không phải buông xuôi". Vì có những thứ thuộc về số phận mà ta không thể kiểm soát. Có lẽ dưới vị trí những người ở lại, ta phải thôi níu lấy họ, phải cho người chết được chết một lần nữa trong nhận thức.
Nhân vật trong câu chuyện thứ hai thì lại chọn cố gắng vượt qua khó khăn. Khi được hỏi, với cô, điều gì làm nên một cuộc sống có ý nghĩa? Cô trả lời:
"Với em, một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống mà em không bao giờ bỏ cuộc. Em cố gắng để có được kết quả không thể nào tốt hơn, và rồi nhìn nó mỉm cười và chấp nhận."
Cô trả lời câu hỏi này khi đã biết là mình có thể không qua khỏi, khi căn bệnh của cô di căn lần thứ hai. Còn câu chuyện cuối cùng, có lẽ mình xin phép để bạn tự khám phá.
Những bất cập xã hội
Trong suốt cuốn sách, tác giả thường đề cập đến một vài bất cập trong hệ thống y tế (thời đó?) Về vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn của các bệnh nhi hay thông tin được đưa ra một chiều về cái nhìn của truyền thông tới một bệnh nhân ung thư. Nhưng trong câu chuyện thứ ba, những vấn đề bất cập này dường như nhiều hơn hẳn. Do hoàn cảnh gia đình của nhân vật thứ ba có phần khó khăn nên nhiều lúc nó khiến những bất cập mà gia đình này gặp phải gần như siết chết họ. Lưu ý, những bất cập này xuất hiện vào thời điểm xuất bản cuốn sách chứ không mang bất kỳ thông tin nào ở thời điểm hiện tại. Có thể kể ra về việc người bệnh sau khi hoàn trả về cho gia đình không còn được tiếp nhận sự tư vấn và chăm sóc của người có chuyên môn. Khiến nhân vật thứ ba luôn thiếu nguồn Morphine để giảm đau. Khi liều lượng sử dụng tăng, người bệnh và gia đình cũng phải trải qua sự dằn vặt từ tâm lý lo sợ trở thành con nghiện do định kiến xã hội và không có một chuyên viên tư vấn để giải thích tường tận. Rồi cũng chính định kiến này trở thành cản trở khi người bệnh muốn thực hiện hiến giác mạc sau chết để làm điều ý nghĩa, vì người trong nhà thì sợ không được toàn thây, còn người ngoài thì đồn rằng là bán cho bệnh viện để lấy tiền.
Tuy nhiên, khi đó vẫn có những con người sẵn sàng giúp đỡ dù vẫn còn những bất cập hiện hữu.
Khóc, buồn nhưng không gục ngã
Ở đoạn kết, dường như tác giả muốn dành một vài lời khen nhẹ nhàng cho những người cận tử và người thân của họ. Ông nhận xét:
Họ không phát ra những gào thét của cái tôi luôn đói khát, không có sự ngông nghênh, hợm hĩnh hay chua chát đặc trưng của con người hiện đại cho rằng mình điều khiển được mọi thứ và mình có quyền đòi hỏi mọi thứ. Họ hiểu rằng những gì họ có là mong manh, và sống có nghĩa là đi qua các thử thách. Cái chết phá hủy sự kiêu ngạo, khiến người ta phải khiêm nhường.
rồi chốt hạ bằng một trích đoạn
Những người đẹp nhất là những người đã nếm trải thất bại, khổ đau, vật lộn và đã tìm được con đường ra khỏi hố sâu
Tác giả cũng mượn đó đề cập đến một câu truyện của Glenn Ringtved như lời nhắc cuối cùng khi gặp gỡ cái chết. Đó là một câu truyện về hai cậu bé đã cố mời Thần Chết ở lại nhà để ông không mang bà của họ đi, nhưng Thần Chết chỉ khuyên hai cậu rằng: "Các cháu hãy khóc, hãy đau lòng nhưng đừng bao giờ gục ngã" trước khi mang bà của hai cậu đi. Có lẽ đến cuối cùng, Thần Chết cũng không thể làm trái quy luật của tự nhiên. Hoặc dù thế nào thì ông cũng sẽ phải quay lại căn nhà đó. Có lẽ là đúng khi khuyên hai cậu như vậy, để họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới.
Kết
Nhìn chung, khi đọc cuốn sách này, trong đầu mình phảng phất rất nhiều suy nghĩ mà khó có thể chuyển hết thành lời. Mình đã được mở mang tầm mắt về một chủ đề dường như khá xa lạ. Mình tin rằng các bạn có thể rút được nhiều giá trị thông qua cuốn sách và phát triển tốt hơn nhận thức về bản thân. Mình không thể nói cụ thể được mình học được những gì thông qua ngòi bút của bác Đặng Hoàng Giang, nhưng mình chắc chắn rằng cuốn sách đã khiến mình nảy ra nhiều suy nghĩ, cả thuận chiều lẫn trái chiều. Chỉ thế thôi, theo mình, cũng là một cuốn sách đáng để đọc.
Xin chào,
Trả lờiXóaBiết đến blog của bạn qua bài viết về Machine Learning, và thật bất ngờ khi bạn cũng đọc một tựa sách giống như mình.
Những người xung quanh mình không thích cuốn sách này lắm, nhưng mình lại nghĩ đây là cuốn sách mang đến cho mình thật nhiều suy nghĩ. Cảm ơn những chia sẽ của bạn...